Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến

40 phút, 6 bệnh nhân trụy tim, 4 người chết trước khi kịp cấp cứu. Đó là tình cảnh đang xảy ra lúc này ở một phòng cấp cứu tại New York giữa thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng. Tiếng còi báo động "mã 99" (Code 99) - tín hiệu cho thấy có bệnh nhân cần phải hồi sức cấp cứu - vang lên 5 lần trong chưa đầy 1 giờ.

Với các y bác sĩ, mọi thứ có lẽ chưa đến nỗi hỗn loạn. Nhưng với bất kỳ ai chứng kiến, nó giống như địa ngục vậy - theo mô tả của phóng viên CNN.

"Họ bệnh nặng đến mức có thể ra đi trong tích tắc, đến mức như vậy đấy," - bác sĩ hô hấp Julie Eason trả lời phỏng vấn. "Họ vẫn đang trò chuyện, rồi chỉ vài phút sau đã có ống thở đặt qua cổ họng, và bạn chỉ có thể hy vọng rằng chiếc máy thở có thể giúp được họ."

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến - Ảnh 1.

Một bệnh nhân trong bệnh viện SUNY Downstate

Bệnh nhân đến không ngừng

Đó là chuyện thực tế, cho thấy virus corona đang gây ra những gì với hàng ngàn người Mỹ, chưa tính đến hàng ngàn người khác ngoài kia. Ít ai được chứng kiến cảnh này, bởi người thân không được phép vào thăm, còn công chúng thì đang bận ở nhà thi hành chính sách "cách ly xã hội."

CNN đã thực hiện một bài phóng sự trong bệnh viện ĐH Brooklyn, nằm trong ĐH Khoa học y tế SUNY Downstate (New York) . Tất cả các ca đang điều trị đều là bệnh nhân nhiễm virus corona, bởi đây là 1 trong 3 bệnh viện của New York được thống đốc Andrew Cuomo chỉ định làm tuyến đầu chống đại dịch.

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến - Ảnh 2.

Hình ảnh tại một phòng cấp cứu trong Trung tâm y tế Brooklyn

Trên thực tế, số lượng người được đưa vào phòng cấp cứu còn thấp hơn thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, lý do là bởi tất cả đều là bệnh nhân mắc Covid-19 với nhiều người ở tình trạng nặng, và tỉ lệ tử vong là rất cao. Gần 25% bệnh nhân đến bệnh viện này được xác nhận đã tử vong.

"Không phải do bệnh viện, mà là bởi tính chất của dịch bệnh này," - bác sĩ Lorenzo Paladino, bác sĩ cấp cứu cho biết.

Những ngày này, không có bất kỳ ca gãy xương hay đau bụng nào nhập viện cả. Các bác sĩ ngày nào cũng chỉ nhìn thấy bệnh nhân bị khó thở do nhiễm phải thứ virus đang khiến hệ thống y tế của nhiều quốc gia bị áp đảo, kể cả với New York và Hoa Kỳ nói chung. Bệnh nhân đến liên tục, mỗi ngày một nhiều hơn.

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến - Ảnh 3.

"Thực sự là không ngớt," - Paladino nhận xét. Và hiển nhiên, họ cũng chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Phóng viên của CNN đã chứng kiến một nhân viên y tế cuốn thi thể bệnh nhân vào túi xác. Chỉ 30 phút sau thi thể đã được mang đi, sàn nhà được tẩy trùng và trở thành chỗ nằm cho một bệnh nhân nguy kịch khác, đang ho không ngừng với chiếc mặt nạ oxy đeo trên mặt.

Trong số 400 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện, có tới 90% trên 45 tuổi, và 60% ở độ tuổi trên 65. Tuy nhiên, căn bệnh không chỉ ảnh hưởng đến nhóm người cao tuổi, bởi bệnh nhân trẻ nhất ở đây là một em bé mới 3 tuổi thôi.

"Chúng tôi có vài bệnh nhân ở độ tuổi 20 - điều khá hiếm thấy. Một số người thẫn thờ, chỉ còn biết khóc," - Paladino chia sẻ thêm. "Họ vừa thấy 4 lần còi hú vang lên. Với họ, câu chuyện này giống như phim nhiều hơn là đời thực. Đáng lẽ nó không nên xảy ra."

Sự thống khổ về cảm xúc của y bác sĩ

Phóng viên CNN ghi nhận, các y bác sĩ và nhân viên bệnh viện, tất cả đều giữ được bình tĩnh trong cuộc chiến chống lại virus và cứu lấy mạng sống của người bệnh.

"Đó là nhiệm vụ vốn có của chúng tôi, không chỉ trong hoàn cảnh này," - bác sĩ Cynthia Benson, đồng nghiệp với Paladino trong phòng cấp cứu cho biết.

Dẫu vậy, đây cũng không phải là cảnh tượng quen thuộc với họ. Tần suất bệnh nhân khó thở, số lượng còi báo động vang lên cho thấy có bệnh nhân ngưng thở và tỉ lệ không thể cứu được là rất nhiều, bởi tầm ảnh hưởng của Covid-19 quá nhanh và mạnh.

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến - Ảnh 4.

Bác sĩ Cynthia Benson

"Mọi ngày, chúng tôi biết là có lúc phải nghe thấy còi báo động, trong ca trực tệ nhất cũng chỉ khoảng 2 lần. Chúng tôi giành giật sự sống của bệnh nhân, mang theo mình câu hỏi 'liệu đã làm mọi thứ có thể hay chưa?'," - Benson chia sẻ. "Tôi thấy việc chuẩn bị về mặt tâm lý và cảm xúc là rất khó khi chứng kiến quá nhiều người phải khổ sở và ra đi trong một thời gian ngắn. Tôi không nghĩ chúng tôi đã dự tính sẵn sàng cho điều đó".

Tại bệnh viện SUNY Downstate, 3 tuần qua đã có 94 bệnh nhân tử vong vì những biến chứng liên quan đến Covid-19.

"Tôi nghĩ phần khó nhất - với y tá chúng tôi - là phải luôn nghĩ cách để người bệnh cảm thấy khá hơn," - trích lời Chery Rolston, y tá và là giám đốc khoa cấp cứu. "Chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống có quá nhiều người chết, mà nhiều khả năng sẽ xảy ra. "

Rolston cho biết, cô cảm thấy rất khó khăn khi chứng kiến những bệnh nhân đang khổ sở chịu đựng mà không có người thân ở bên. "Con trai của một bệnh nhân gọi điện, nói rằng 'bố tôi đã hơn 80 tuổi rồi, tôi biết ông khó qua khỏi, nhưng tôi chỉ buồn vì ông ra đi mà chẳng có ai ở bên'," - cô chia sẻ.

Có thể nói, phòng cấp cứu tại bệnh viện SUNY Downstate ở Brooklyn hiện tại chẳng khác gì thời chiến là mấy. Nhưng so với bên ngoài, nơi người dân đang thi hành "cách ly xã hội", thì đó là cả một thế giới khác biệt.

"Bạn lái xe qua những đại lộ của New York, những nơi vốn rất đông đúc và nhộn nhịp thì nay vắng lặng," - bác sĩ Robert Gore, chuyên gia y tế của viện chia sẻ. "Nhưng khi vào đến phòng cấp cứu, mật độ người ở đó khiến bạn có cảm giác như trong khu tị nạn thảm họa."

Bác sĩ Robert Foronjy, sống cách bệnh viện khoảng chục tòa nhà cũng có nhận định tương tự. "Cho đến 3 tuần trước, cuộc sống của tôi vẫn rất bình thường. Thế rồi mọi thứ thay đổi chỉ sau 1 đêm," - ông nói.

"Thật sự là khó cho tất cả mọi người. Nhưng tôi thương cảm nhiều nhất cho các gia đình bệnh nhân, đặc biệt là những ai không bao giờ còn cơ hội để nói lời tạm biệt với người thân của họ."

Không ai muốn phải lựa chọn

Những bệnh nhân nặng nhất sẽ được áp dụng máy thở - cỗ máy đắt tiền và cực kỳ quan trọng cho đại dịch lần này. Theo thống đốc Cuomo, New York hiện tại vẫn đang cần thêm máy thở, ít nhất là 30.000 chiếc nữa. Tuy nhiên, chiếc máy ấy cũng không phải phép màu, bởi số liệu cho thấy tỉ lệ sống sót với các bệnh nhân cần đến máy thở là không cao.

Do máy thở không đủ, bác sĩ Paladino đang nghiên cứu phương pháp ứng dụng một chiếc máy Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog cho nhiều bệnh nhân. Ông cho biết trong một số hoàn cảnh, một ống thở có thể dùng cho 2 người - một ý tưởng nhận được sự ủng hộ của ông Cuomo. Tuy nhiên, Paladino cho biết đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể áp dụng trong dài hạn.

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến - Ảnh 5.

"Có thể dùng tạm thời trong vài giờ, khoảng 12h đi, cho đến khi chúng tôi được cung cấp thêm," - ông nhận định.

Paladino cho biết ông hy vọng ý tưởng này sẽ không cần phải đem ra thử nghiệm, nhưng cũng thừa nhận rằng phương án ấy là tốt nhất nếu tình hình trở nên khẩn cấp hơn.

"Chúng tôi thực sự lo sợ thời điểm không còn đủ máy thở nữa. Chúng tôi không muốn phải đưa ra lựa chọn cứu ai, bỏ ai."

Bác sĩ Julie Eason nhận xét, nhu cầu cho máy thở cũng đồng nghĩa với việc cần thêm nhiều nhân lực được đào tạo bài bản để vận hành chúng.

"Nó (máy thở) là một cỗ máy phức tạp, và nếu bạn không thiết lập đúng, kết quả sẽ khác so với mong đợi," - Eason cho biết. "Chúng ta cần những người được đào tạo bài bản với nhiều kinh nghiệm để có kết quả tốt nhất, cũng bởi đây là những bệnh nhân khác biệt nhất từ trước đến nay."

Nhu cầu có thêm nhân lực đang trở nên cấp thiết tại SUNY Downstate và nhiều bệnh viện khác, bởi lẽ thống đốc Cuomo đã ra chỉ thị cho tất cả các bệnh viện tại New York phải tăng sức chứa lên ít nhất là 50%. SUNY Downstate vốn đã có hơn 2000 nhân viên cùng 225 giường bệnh. Họ sẽ phải bổ sung thêm 50 giường, đồng thời biến bãi đậu xe thành nơi dựng lều cách ly áp suất âm - căn phòng không cho phép không khí bên trong thoát ra bên ngoài, nhằm ngăn sự lây lan của virus.

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến - Ảnh 6.

Chính những chiếc lều như vậy đã tạo cảm giác bệnh viện giống như vùng chiến sự, dù nó nằm ở giữa một khu dân cư vốn đông đúc và nhộn nhịp. "Chúng tôi thực sự đã áp dụng những phương pháp của quân đội để điều chế thuốc," - trích lời giám đốc bệnh viện Wayne Riley. "Bạn phải lên ý tưởng, ứng biến, sáng tạo hơn trong thời điểm đại dịch xảy ra."

"Có rất nhiều điều khiến tôi không thể ngủ được. Đầu tiên là sự an toàn của các y bác sĩ và nhân viên y tế - tôi lo lắng cho họ nhất, bởi họ phải tiếp xúc với quá nhiều nguồn bệnh".

Ít nhất với thảm họa còn biết khi nào kết thúc, dịch bệnh thì không

Kể từ khi dịch bệnh nổ ra, các y bác sĩ tại đây đã phải làm việc không nghỉ. Mọi kỳ nghỉ phép đều bị hủy, bất kể lý do. Nhưng dẫu vậy, nhân lực vẫn là không đủ. Thậm chí, thành phố New York đã phải phát đi tin nhắn khẩn cấp đến mọi số điện thoại ở tiểu bang, với nội dung kêu gọi nhân viên y tế đến hỗ trợ càng sớm càng tốt. Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh viện SUNY Downstate đã có thêm 50 nhân viên y tế xin hỗ trợ, và tất cả đều được đưa ra làm việc tại tuyến đầu.

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến - Ảnh 7.

"Đây có thể xem là sự hy sinh lớn nhất," - Mafuzur Rahman, 70 tuổi, cũng là một trong những bác sĩ đề nghị được ra hỗ trợ chống dịch chia sẻ về những người tình nguyện. "Họ tự đặt bản thân, thậm chí là gia đình họ vào nguy hiểm, để đi cứu lấy tính mạng bệnh nhân."

Sau những ca trực kéo dài và đầy căng thẳng để chăm sóc bệnh nhân, các y bác sĩ cũng chẳng được phép ôm lấy những người yêu thương. Họ sẽ phải tự cách ly, vì lo sợ chẳng may lây nhiễm virus cho gia đình. Những hành động như vậy dần trở thành thói quen với bệnh viện SUNY Downstate - ít nhất là trong thời điểm này. Và tất cả cũng kỳ vọng các đồng nghiệp tại thành phố khác như Chicago và Detroit có thái độ tương tự, phải chuẩn bị sẵn sàng cho thảm họa.

"Hãy chuẩn bị, vì những ngày bạn tưởng là tệ đến mức không thể tưởng tượng thực ra vẫn chưa tới đâu," - Eason cảnh báo các đồng nghiệp.

"Chúng tôi thường chỉ có một vài bệnh nhân trong tình trạng nặng như vậy. Còn giờ thì phòng chăm sóc đặc biệt đã chật cứng, không ai có thể thở bình thường."

Nhiều người đã ra đi rất nhanh, đến mức bệnh viện còn phải sử dụng xe tải đông lạnh để làm nơi trữ tạm thi thể, bởi nhà xác đã chật kín chỗ. Michael McGillicuddy - người quản lý thi thể tại bệnh viện cho biết ông có thể sẽ cần thêm nhiều chiếc xe như vậy.

Bên trong phòng cấp cứu tại New York giữa đại dịch Covid-19: Mọi thứ chẳng khác gì thời chiến - Ảnh 8.

Michael McGillicuddy - người trông coi thi thể tại bệnh viện

"Đây thực sự là tình cảnh tệ nhất tôi từng phải chứng kiến. Bởi với một thảm họa thiên nhiên, bạn còn biết thời điểm nó kết thúc. Còn bây giờ thì không ngừng nghỉ," - McGillicuddy chia sẻ.

"Tôi vốn là nhân viên chữa cháy tình nguyện, từng vào sinh ra tử tại các tòa nhà bốc cháy, từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn. Nhưng dịch bệnh này khiến tôi sợ, cho cả bản thân, gia đình và mọi người."

Tham khảo: CNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét